Tuesday 29 May 2012

Biết thì thưa thốt, không biết thì Nguyễn Văn Tuấn... dựa cột và cứ nói!


Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Việt kiều Úc, nói nhiều quá. Chuyện gì ông cũng xía miệng vào bàn cho được, kể cả những lĩnh vực ông không biết lấy một chữ đui chứ đừng nói chi đến ấn phẩm ISI. Ông lại lên báo tự xưng là đồ đệ của cụ Nguyễn Khắc Viện, là "fan" của cụ Nguyễn Hiến Lê, những người bàn về nhiều vấn đề chẳng dính dáng gì đến chuyên môn của họ. Sang trọng thế. Thực chất là mục hạ vô nhân, thiên hạ dốt cả, chỉ mình ông khôn. Chúng tôi không dám khuyên ai vì ông tài giỏi thế, cần ai khuyên nữa? Nhưng chúng tôi có thể dự đoán là nếu ông cứ tiếp tục nói nhảm ắt có ngày mang nhục, không kịp tránh.

Tuesday 22 May 2012

Xin lỗi, em chỉ là... Ngọc Trinh


Em đã nói rõ với nhà báo và báo có đăng lại đàng hoàng là em đã chừa một phương lấy chồng.  Em không giấu việc em làm. Em cũng không giấu dốt. Xin người đọc báo đừng ném đá em, tội nghiệp. Cũng xin đừng chửi nhà báo, càng tội nghiệp lắm, vì bây giờ, ngoài chuyện của em ra, họ còn biết viết gì để có cơm ăn mà không phải vào tù?
Em không mượn ai bênh em. Người như chị Hồ Thu Hồng xin tránh càng xa càng tốt. Chị muốn hét lên là đàn bà ai cũng muốn trai bao thì đó là ý kiến riêng của chị. Em nghĩ cho em, em nói cho em, em không nói cho ai khác, bởi vì xin lỗi, em chỉ là... Ngọc Trinh.

Sunday 13 May 2012

Lê Vinh Quốc: tiến sĩ múa rìu.


Suýt nữa thì sặc cà phê ra cả màn hình vì cái câu này của Lê Vinh Quốc trên Tuổi Trẻ:
 Đến nay, các nhà ngôn ngữ học vẫn không hiểu vì sao khi sáng tạo ra chữ quốc ngữ, linh mục Alexandre de Rhodes đã loại bỏ bốn chữ cái gốc Latin nêu trên để rồi phải dùng PH thay cho F, dùng GI thay cho J và dùng D để ghi cái âm đáng lẽ thuộc về Z; rồi lại phải chế ra chữ Đ để ghi cái âm vốn thuộc về D?
Tuổi Trẻ rất đểu. Các bạn ấy cấp đất cho Quốc múa rìu để Quốc lòi dốt ra cho mọi người cùng thấy. Đã vậy nhà báo lại còn ngoắc thêm cái mác tiến sĩ giáo dục rất kêu ngay bên cạnh. Bây giờ có hối cũng không kịp nữa, Quốc ơi!

Friday 11 May 2012

Cách vận dụng tư tuy tích cực khi đọc Hồ Thu Hồng


Xưa nay mình chẳng đọc gì của Hồ Thu Hồng, ngoại trừ trang Beo trên Yahoo. Không thích nhưng vẫn đọc vì bọn hải ngoại cứ lu loa quảng cáo đó là kênh thông tin bán chính thức của công an. Nhiều khi báo chí lề phải chưa dám nhúc nhích thì Beo đã bắn tín hiệu ra rồi. Ngay cả khi báo đã đưa tin khắp nơi, mình vẫn đọc Beo. Nếu còn bán tín bán nghi, càng cần đọc Beo. Trang của Beo dễ truy cập, không sợ bị chặn, lúc nào đọc cũng được.

Hễ Beo sỉ vả, miệt thị ai thì đó ắt là người đáng kính trọng. Có người mình quen, có người mình không quen. Nhưng thấy Beo chửi người mình quen và biết rất rõ, tự nhiên mình có thiện cảm với những người chưa quen.

Những chuyện cao siêu, phức tạp như tàu cao tốc, bô xít, Trường Sa, điện hạt nhân... ông A ủng hộ mình thấy cũng phải, ông B phản biện mình thấy cũng hợp lý. Trình độ non kém, hiểu gì được chứ? Nhưng thấy Beo cũng đứng ra ủng hộ thì mình biết ngay đó là chuyện hại dân hại nước. Có vài chuyện nho nhỏ như chuyện....  (thôi chẳng nói ra làm gì, lộ bem hết), mình đã đích thân trải nghiệm hoặc đích thân kiểm chứng thì biết là Beo cố tình nói láo. Làm sao dám tin cả những chuyện khác?

Trang của Beo nên được sử dụng như một công cụ định hướng dư luận rất có hiệu quả đối với những đứa như mình, tức là có thành kiến với Beo nhưng vẫn vào đọc (để nghĩ ngược).

Tuesday 8 May 2012

Gót chân của Phạm Anh Tuấn bị đau nhức


Phạm Anh Tuấn khen Dương Tường có công lớn trong việc dịch the dotted line thành dòng kẻ bằng những dấu chấm. Với tư cách là một dịch giả kiêm luôn công việc chủ động tiếp nhận sự lai trộn văn hóa, Dương Tường đã góp phần làm từ ngữ tiếng Việt thêm giàu đẹp như ai đó đã có công đưa gót chân A-sin vào vốn từ ngữ tiếng ta.
Gót chân A-sin là một điển tích thần thoại Hy Lạp. Nó vô nghĩa đối với người không có chút hiểu biết nào về văn hóa phương Tây cổ đại. Không ai lần đầu đọc gót chân A-sin hay gót sen vàng mà hiểu được. Muốn biết gót chân A-singót sen vàng khác nhau thế nào, người Việt cần phải học, cần có các sách công cụ (từ điển tiếng Việt, từ điển điển cố...). Và đó là điều cần thiết vì các giá trị văn hóa Hy Lạp và Trung Hoa đáng để ta phải học.    
Dòng kẻ chấm của Dương Tường không quy về giá trị nào cả. Khi chọn cách dịch ấy, Dương Tường dĩ nhiên phải chú thích vì ở một đất nước không có quy định biểu mẫu đơn từ thống nhất, kẻ chấm hay kẻ liền tùy thích, ai có thể hình dung được dòng kẻ bằng những dấu chấm dùng vào việc gì? Nếu họ đã quen điền đơn từ ngoại quốc thì đó là việc khác. Nhưng trong trường hợp đó, người ta cần gì phải đọc bản dịch tiếng Việt? Sau cùng, các chú thích cần thiết cũng không đủ để từ vựng hóa dòng kẻ bằng những dấu chấm. Không phải bất cứ sáng tạo ngôn từ nào cũng vào từ điển được.
Đặt dòng kẻ bằng những dấu chấm bên cạnh gót chân A-sin là một cách so sánh hết sức khập khiễng. Nếu thích so sánh, Phạm Anh Tuấn có thể gọi Dương Tường là Đông Thi. Nàng Tây Thi nào đó nhăn mặt một phát thành gót chân A-sin, nhưng Đông Thi – Dương Tường dù cố công bắt chước đến mấy cũng chỉ rặn ra được cái dòng kẻ bằng những dấu chấm.