Wednesday 30 April 2014

Điếc hay ngóng, ngọng hay nói


Cuối ngày 29-04-2014 nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn treo stt sau trên Facebook:
Mình thấy có nhiều người nói về chữ "hoà giải" hôm nay, may là mình thuộc 70% sinh sát và sau 75 chả phải băn khoăn về chuyện đó. Sao tôi phải hoà giải? Hoà giải với ai? Chúng tôi không thù oán ai, không làm gì sai với ai, không hận thù ai, vậy đòi hỏi chúng tôi hoà giải với ai? Thôi để những ai cần hoà giải cứ hoà giải với nhau, với chúng tôi ngày mai là một ngày nghỉ.

Chỉ có người vô cảm lắm mới nghĩ được như Sơn. Không vô cảm thì phải rất nông cạn. Không vô cảm, không nông cạn thì tráo trở, nhập nhằng. Ở một xứ xét lý lịch đến ba đời như nước ta, hận thù đã được luật định là truyền kiếp, ít nhất là ba kiếp người. Sơn có sinh ra trong một gia đình bên thua cuộc sát và sau 1975 không? May mà trong số 70% sinh sát và sau 1975 không có mấy người như Sơn.



Stt của Sơn lan truyền nhanh chóng trên mạng, trở thành đề tài đàm tiếu. Sơn biện bạch:
Một số cụ miệng nói dân chủ nhưng thực ra không bao giờ có được tinh thần dân chủ: tôn trọng quan điểm chính trị khác biệt, chấp nhận sự khác biệt...có thể chiến về quan điểm, nhưng đừng xét đoán nhân cách vì quan điểm người ta khác mình. Vui vì vẫn nhậu với các anh Nguyễn Hưng Quốc, Đỗ Trung Quân, Osin, Phạm Xuân Nguyên vì cùng chia sẻ quan điểm đó.

Các anh Nguyễn Hưng Quốc, Đỗ Trung Quân, Osin, Phạm Xuân Nguyên không like nổi stt của Sơn. Không anh nào muốn đứng chung danh sách dài hơn hai trăm trẻ trâu tung hô một dư luận viên kém cỏi như Sơn.


Trong tình hình đất nước hiện nay, việc động viên sức mạnh của toàn dân là điều cần thiết. Hòa giải dân tộc là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà Nước. Mong Sơn giữ mồm giữ miệng kẻo người ta ngộ nhận lòng thành của Đảng, của chính phủ.




Tuesday 29 April 2014

Nhân đọc bản Lược Sử Kỳ Án Nhã Thuyên của Dương Tư


http://giangnamlangtu.wordpress.com/2014/04/26/luoc-su-ky-an-nha-thuyen-2/

Hữu Thỉnh là nguồn gốc của mọi sai lầm trong kỳ án Nhã Thuyên.
Từ lâu Hữu Thỉnh thâm thù Mở Miệng vì bài thơ này:

tôi hỏi đất: - đất sống với đất như thế nào? 
- chúng tôi tôn cao nhau [heo] 

tôi hỏi nước: - nước sống với nước như thế nào? 
- chúng tôi làm đầy nhau [heo] 

tôi hỏi cỏ: - cỏ sống với cỏ như thế nào? 
- chúng tôi đan vào nhau [heo] 
làm nên những chưn trời 
chơi & bời 

tôi hỏi thỉnh: 
- thỉnh sống với thỉnh như thế nào? 
[ối dào!] 
tôi hỏi người: 
- thỉnh sống với người như thế nào? 
[ối dào!] 
tôi hỏi người: 
- thỉnh sống với người như thế nào? 
[ối dào!] 

Cả một triết lý nhân sinh của ông quan văn nghệ cao nhất nước (http://vns.hnue.edu.vn/?page=service_detail&TID=349) bị đứa trẻ trâu đem ra bỡn cợt, ai chịu nổi?

Thỉnh mượn hội nghị lý luận phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà Văn (của Thỉnh) tổ chức ở Tam Đảo (ngày 4 tháng 6 năm 2013) làm nơi giải tỏa ấm ức. Không thể công khai mối tư thù, Thỉnh đăng đàn diễn đọc một bài thơ Lý Đợi giễu nhại Hồ Chí Minh 
(http://lethieunhoncom.blogspot.com.au/2013/07/huu-thinh-dien-oc-tac-pham-cua-mot.html)) để hướng sự phẫn nộ chung vào kẻ thù riêng của Thỉnh. Bài thơ ấy như sau:


“Chúng nó nói

Chúng nói

Sông có thể cạn

Núi có thể mòn

Chúng nói

Sông có thể cạn

Núi có thề mòn

Và tôi thấy chúng làm:

Chúng đuổi người đi đường

Chúng không cho người dân cất tiếng nói

Chúng bao vây và trấn áp người biểu tình chống xâm lăng

Chúng cho người trà trộn vào đám đông biểu tình để phá thối, gây chia rẽ

Chúng bảo chúng ta bị xúi giục

Chúng coi thường sự hiểu biết của nhân dân

Chúng bảo mất Hoàng Sa – Trường Sa không phải lo.

Hãy về nhà ngủ và tin vào Cộng sản và nhà nước.

(Tin chúng mày để hôm nay thấy Sài Gòn & Hà Nội đầy một lũ tay sai Bắc Kinh à?)

Chúng vu khống những người yêu nước là phản động

Chúng muốn chúng ta vĩnh viễn là nô lệ

Chúng đã lăng mạ lòng tự trọng dân tộc

Chúng đã phỉ nhổ vào lịch sử

Chúng đã đập bàn thờ tổ quốc

Chúng đã ném cứt vào xương máu những người đã chết cho quê hương

Chúng tóm cổ các nhà báo tự do

Chúng đe doạ, đánh đập văn nghệ sĩ

Chúng khủng bố các nhà trí thức

Chúng theo dõi điện thoại, email

Chúng hiếp dâm nhân quyền...

Và chúng nói tiếp, sau khi làm: “song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Mở Miệng chết ngắc từ lâu bỗng nhiên sống dậy qua giọng đọc hùng hồn của người đọc điếu văn hay nhất Vỉệt Nam 
(http://lethieunhoncom.blogspot.com.au/2013/07/huu-thinh-dien-oc-tac-pham-cua-mot.html).

Sự thiệt hại lẽ ra có thể giới hạn ở mức đó thôi nếu Chu Giang và Phong Lê không nhảy ra diễn tuồng trung thần bất sự nhị quân. Cái 
thế giới nhỏ bé các nhà lý luận phê bình Tam Đảo lập tức phân hóa thành hai phe, ba thành phần (chống ta, theo ta và lừng khừng) xung quanh một quyển luận văn cao học nằm mốc trên kệ sách từ ba năm trước (Đỗ Thị Thoan aka Nhã Thuyên, "Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực Hành Thơ Của Nhóm Mở Miệng Từ Góc Nhìn Văn Hóa"). Kể từ lúc đó, không phải Mở Miệng mà chính Nhã Thuyên 
bài tập nghiên cứu về Mở Miệng (http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/luan-van-do-thi-thoan-va-nhung-loi-ban) chính thức trở thành đối tượng nghiên cứu của giới phê bình. Hội Nhà Văn không chỉ nhận lãnh trách nhiệm phê bình văn chương mà còn kiêm nhiệm phê bình công việc của nhà giáo và học sinh. Nhảm thế.

Sự lấn sân nhảm nhí đó nếu chỉ khu trú trong phạm vi hội nghị Tam Đảo thì ai hay, ai biết? Nếu các phê bình gia chỉ mắng nhau một chập rồi ra về, đợi đến hội nghị lần sau gặp lại thì thiên hạ có thể biết gì về những trò nhảm của họ? Việc Đào Duy Quát huy động tổng lực truyền thông vào trận đánh Nhã Thuyên là một sai lầm nghiêm trọng về chiến lược. Lợi ích trước mắt là tăng điểm uy tín cho ông Quát, cho hội đồng lý luận trung ương trong giới lãnh đạo Đảng, nhưng tổn thất lại vượt quá mức dự tính. Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Thanh Tra, Văn Nghệ trung ương, Văn Nghệ địa phương... suốt mấy tháng trời quảng cáo không công cho Nhã Thuyên và Mở Miệng. Ký giả tuyển từ hạng bồi bút, không có trình độ lẫn tư cách, viết lấy được, nói lấy được, chẳng khác nào bôi tro trát trấu vào hệ thống truyền thông của quốc gia. Trong khi tâm nói mặc tâm, biên nở hoa tứ tung, không ai kiểm soát được. Công an không bắt Lý Đợi, không bắt Nhã Thuyên, không bắt bất cứ ai nói khác với báo Nhân Dân. Cơ quan an ninh, vì những lợi ích riêng của họ, từ chối làm công cụ phục vụ lợi ích cá nhân, hiềm khích cá nhân. 

Một chủ trương lớn, đúng đắn qua tay người thực hiện bôi bác lại không được phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chức năng, thử hỏi có đáng phẫn nộ không? Quá giận mất khôn. Hận cá chém thớt. Cái thớt vẫn là Nhã Thuyên, lại là Nhã Thuyên. Để cho nhát dao chém xuống có sức mạnh chính nghĩa, một hội đồng khoa bảng được thành lập với nhiệm vụ thẩm định lại luận văn của Nhã Thuyên. Dùi đánh đục, đục phải đánh săng. Vì những lý do riêng, hiệu trưởng Đại Học Sư Phạm Hà Nội không dám cãi lời cấp trên, dựng lên một hội đồng thừa chức tước, thiếu cả trình độ lẫn tư cách, lén lén lút lút hợp thức hóa một quyết định phi pháp và vô đạo. 

Đến đây việc của Nhã Thuyên không chỉ là việc giữa khách văn với nhau nữa. Buộc tội Nhã Thuyên phản động là việc của các nhà chính trị. Thẩm định (đi và lại) luận văn của Nhã Thuyên là việc của các nhà chuyên môn. Nhưng không thể tùy tiện tước học vị của bất cứ ai. Đông La cứ giả vờ ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều người "nói leo". Nói chuyện liên quan đến quyền lợi thiết thân của người ta sao lại là nói leo? Cháu Đông La ơi, khi nào cháu kiếm được một mảnh bằng vắt vai, cháu sẽ hiểu. Nói thế thôi chứ ngay Phan Trọng Thưởng chữ nghĩa một bụng lõng bõng kia còn không ý thức được là chính y đã mở đường cho việc đem luận án của y ra chấm lại. Trách sao được đứa dốt nát theo voi ăn bã mía?

Monday 28 April 2014

Ngưu tầm Đông La, mã tầm Đông La



Đông La phù thịnh, không phù suy.
Đông La nhận nhiệm vụ nói thay cho Đảng và chính quyền những điều khó nói qua các kênh chính thức.
Đông La nói bằng giọng rất riêng của Đông La. Báo Nhân Dân không thể sử dụng thứ ngôn ngữ chợ búa ấy.

Mấy năm nay tôi chú tâm “uýnh” bọn “rận” nên tôi không đọc báo Văn Nghệ, không biết Hội Nhà Văn như thế nào. Chỉ riêng việc liên quan đến tôi là chuyện vừa rồi tôi gởi cuốn Bóng tối của ánh sáng dự xét giải thưởng hàng năm của Hội. Tôi tự tin gởi vì từ những vị lãnh đạo lĩnh vực lý luận phê bình VHNT như anh Hồng Vinh, anh Đào Duy Quát, rồi anh Hữu Thỉnh là Chủ tịch HNV, đến các nhà phê bình như anh Hồng Diệu, anh Nguyễn Văn Lưu, anh Mai Quốc Liên, rồi đến bạn đọc đều đánh giá cao cuốn sách. Anh Mai Quốc Liên khó tính thế mà còn mua 5 cuốn để tặng bạn bè, nhà văn Vũ Hạnh mua 3 cuốn, còn bạn đọc có người mua 30, 20, 10 cuốn để tặng nhau. Vậy mà Ban Lý luận phê bình của Hội Nhà Văn VN đã loại nó. Chính một vị lãnh đạo chủ chốt của Hội đã nói trực tiếp với tôi: “Cái Ban ấy toàn những đứa nó cho Luận văn Nhã Thuyên 10 điểm thì làm sao chúng bỏ phiếu cho em được”.


Có kẻ ghen ghét đi mách với A25 rằng Đông La chỉ giả vờ bảo vệ Đảng, thực chất là bôi bác uy tín của Đảng bằng giọng lưỡi của kẻ lưu manh thất học:

Tôi đã hỏi “thánh nữ” Vũ Thị Hòa:

“Cô có thấy linh hồn Bác Hồ không? Nếu đúng như kẻ xấu viết về Bác có nhiều tội ác được che giấu, kể cả chuyện giết chính vợ, con bí mật của mình, linh hồn Bác cũng bị đầy địa ngục sao?”
Cô trả lời:
“Không phải đâu, bọn chúng xuyên tạc đấy, em thấy linh hồn Bác đang ở cõi thánh rực rỡ lắm. Bác Giáp cũng vậy. Không phải ai cũng được như vậy đâu. Đa số bị đầy khổ sở lắm”.

Sunday 20 April 2014

Một con gián mới bò ra ; nó tên là Phan Trọng Thưởng



Mong mãi mới được đọc một bài phản biện luận văn của Nhã Thuyên. Bài này đăng ở báo của Hội Nhà Văn (xem ở đây), ký tên phó giáo sư tiến sĩ Phan Trọng Thưởng, chủ yếu chép lại luận văn Nhã Thuyên, chỗ nào không chép thì chụp cho cái mũ "phản động, sai trái".
Còn bốn bài nữa chưa biết chừng nào lên báo. Hy vọng là không phải một bài phô tô thành  năm bản, đưa cho năm vị ký tên.

Monday 7 April 2014

Vị trí của kẻ ở trung tâm: thực hành phê bình của nhóm Giấu Mặt Bịt Miệng từ góc nhìn văn hóa



Nhóm Giấu Mặt Bịt Miệng là một nhóm học giả được thành lập đầu năm 2014 với nhiệm vụ đánh đổ luận văn Nhã Thuyên. Nhóm không có thủ lĩnh, không ra tuyên ngôn và không có cả danh tính để xứng với tên của nhóm là Giấu Mặt làm công việc Bịt Miệng. Giang hồ đồn nhóm có mấy thành viên Hội đồng Lý luận Phê bình Trung ương, một chuyên gia nghiên cứu truyện Kiều dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê-nin, có ông  từ Học Viện Chính Trị Quốc Gia đến, suốt đời chưa đọc nửa chữ về tâm và biên.

Cấp trên mất không biết bao nhiêu công sức và thời gian mới lập được nhóm. Lý do là bao nhiêu đứa thiên lôi như Chu Giang, Phong Lê, Nguyễn Ngọc Thiện... đã ra mặt công khai từ sớm rồi, bây giờ gọi chúng nó vào nhóm e không tiện, không được khách quan. Người đàng hoàng tử tế khéo léo từ chối, viện cớ không đủ trình độ, thực chất là không chịu hùa vào đánh hôi. Cực chẳng đã phải mời một bà lão lẩm cẩm cho đủ tụ. Nhưng có điều kiện:

-Không được công bố danh tính chúng tôi trên báo đài.

Thành ra trình bày luận văn là công khai nhưng đánh giá luận văn là bí mật. Đó là cách thực hành phê bình của nhóm Giấu Mặt Bịt Miệng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh không ai có thể giải thiêng.

Thursday 3 April 2014

Trần Đăng Xuyền được lợi gì khi đi làm chỉ điểm cho Đào Duy Quát?



Thực chất của vụ luận văn Nhã Thuyên là gì?

Trần Đăng Xuyền/Suyền, nguyên hiệu phó đại học sư phạm Hà Nội, đứng vị trí thứ 30 trong danh sách 30 ủy viên của Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, là kẻ thù không đội trời chung của Nguyễn Văn Minh, đương kim hiệu trưởng.

Người ngoài ngành văn học thường chỉ biết về Trần Đăng Xuyền qua đoạn Chân dung và đối thoại giữa Trần Đăng Khoa với Xuân Diệu:

 Mà cậu Xuyền ở đâu nhỉ? Trường đại học sư phạm à? Làm ông giáo à? Cậu ấy là nhà phê bình mà chẳng hiểu cái quái gì cả.


Và câu hát của dân gian về Xuyền:
Đường vinh quang xây xác bạn bè...



Xuyền nổi tiếng trong ngành nhờ quan niệm:

Nhiệm vụ cơ bản của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là trường đào tạo nghề nghiệp, theo đó phạm vi nội dung kiến thức được đưa vào giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn chỉ nên bó hẹp ở những kiến thức được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông.




Luận văn Nhã Thuyên chỉ là một trong những cáo buộc mà phe cánh Trần Đăng Xuyền đưa ra để lật Nguyễn Văn Minh:

Ông Nguyễn Văn Minh man khai lí lịch chính trị để được kết nạp Đảng; man khai lí lịch khoa học để tranh cử Hiệu trưởng; hợp đồng giảng dạy với Đỗ Thị Thoan có tư tưởng chính trị phản động; tuyển dụng giảng viên trái quy định, bao che sai phạm về tuyển dụng; bao che khi phát lộ đường dây chạy vào đại học; bao che cho sự giả mạo và tiếp tay cho gian dối.

Cơ quan truyền thông duy nhất có nhã hứng với vụ đấu tranh này là báo Người Cao Tuổi. Báo này ít người đọc nên người ngoài cuộc khó hình dung ra bối cảnh của vụ Nhã Thuyên là cuộc đấu tranh ai thắng ai đang tái diễn ở trường đại học của Trần Đức Thảo. Không phải ngẫu nhiên mà Hội Đồng Lý Luận Trung Ương đi moi một quyển luận văn đóng bụi ba, bốn năm trời trên kệ sách ra để săm soi.


Các giới chức có thẩm quyền điều tra cả năm trời vẫn chưa ra được kết luận về tất cả các cáo buộc chống Nguyễn Văn Minh, trừ trường hợp liên quan đến Đỗ Thị Thoan, tức Nhã Thuyên. Khi Nguyễn Văn Minh đặt bút ký các quyết định xử lý Nhã Thuyên, ông cũng đồng thời nhận một trong sáu tội người ta gán cho chính ông. Thôi thì ốc không mang nổi mình ốc, ốc làm sao mang cọc cho rêu. Trong thâm tâm có lẽ ốc cũng đang mong:

-Ước gì rêu kiện ngược lại ốc. Rêu thắng, tức là chúng nó sai, ốc đúng.

Wednesday 2 April 2014

Công đầu trong vụ luận văn Nhã Thuyên là Đào Duy Quát



Đào Duy Quát, con Đào Duy Tùng, hay bị các đồng chỉ trong Đảng dè bỉu:

-Thằng ấy không xứng đáng ngồi vào chỗ của bố nó.

Các đồng chí còn xúi bọn phản động viết bài Chân tướng Đào Duy Quát kể toàn những chuyện rác rưởi hơn cả Mở Miệng. Nhưng những trò mèo đó không hạ bệ nổi Quát. Báo điện tử của Đảng đăng tin tầm bậy, Quát chỉ nói một câu:

-Lỗi tại cậu đánh máy.

Quát chỉ nhờ một câu ấy mà thoát hiểm. Câu ấy nhờ Quát mà thành danh ngôn thời kỳ đồ đểu.

Nhưng Quát biết mình không thể sống nhờ bóng cả của ông Đào Duy Tùng mãi, không thể may mắn mãi trọn đời. Vụ Nhã Thuyên là chiến công đầu và là chiến công hiển hách nhất của Quát từ ấy đến nay. Quát chỉ đạo cho báo Nhân Dân bốc thơm Quát tối đa:

Trong ba năm qua, nhất là trong năm 2013, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án 213 về "Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật", Thường trực Hội đồng đã tiến hành khảo sát các hoạt động xuất bản, phát hành, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, kịp thời tham mưu, chỉ đạo các hình thức xử lý thích hợp với các tác phẩm xấu, độc. Cụ thể, trong năm 2013, khi phát hiện những vấn đề sai trái trong luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Thường trực Hội đồng đã phối hợp chặt chẽ với các báo chí và các nhà lý luận, phê bình công khai phân tích làm rõ tính chất phản khoa học, phản văn hóa, phản chính trị của luận văn này, giúp cho các cơ quan hữu quan định hướng xử lý thích hợp.
Đồng chí Đào Duy Quát biểu dương các cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái này là Báo Nhân Dân, Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Văn nghệ, Báo Hà Nội mới, Báo Thanh tra, Tạp chí Hồn Việt và một số báo, đài khác.

Với chiêu trò này Quát đã có dáng dấp của Tố Hữu thời Nhân Văn Giai Phẩm, hơn tầm của bố rồi. Từ nay bọn GATO không còn có thể xếp Quát chung một rọ với các thái tử đảng Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Ánh, Tô Linh Hương.

Quát chỉ bực duy nhất một chuyện là bên công an không phối hợp nhịp nhàng với Quát như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Quát không nghĩ mình kém Tố Hữu. Chẳng qua là bên ấy lúc ấy tình hình rất là tình hình, thứ trưởng, bộ trưởng còn chưa biết có giữ được mạng hay không nên không rỗi hơi đi diễn trò chung với Quát. Nếu Nhã Thuyên và đồng bọn bị bắt thì hay quá, nhưng công an lại cứ để cho chúng nó nhởn nhơ. Chẳng nhẽ Quát lại phải cầm tay chỉ việc thì mất mặt đại tướng Trần Đại Quang quá. Nhưng công an mà cứ sống và hành động theo hiến pháp và pháp luật thì phiền cho Quát lắm.

Tuesday 1 April 2014

Nhã Thuyên bôi xấu bộ mặt khoa bảng Việt Nam



Nhã Thuyên bất quá chỉ là một đứa học trò nhỏ, kiến thức lổn nhổn cũng đủ gây sóng gió trong giới học thuật nước nhà. Thật là quá sức buồn cười.

Bây giờ thì thiên hạ năm châu bốn bể đều rõ đặc điểm nổi bật nhất của bằng cấp Việt Nam là vô giá trị. Muốn mười thì cho mười. Muốn dê-rô thì cho dê-rô. Thích cho đỗ thì đỗ. Không thích thì thu hồi bằng. Chẳng cần phải viện đến một luật lệ nào cả, trừ điều 4 của Hiến Pháp.

Không có Nhã Thuyên, chưa ai biết là bọn khoa bảng Việt Nam vẫn tiếp tục hèn như thời Nguyễn Lân, Phạm Huy Thông đấu tố Trần Đức Thảo. Hễ không hùa vào đánh hôi với bọn Nguyễn Văn Giang, Phong Lê, Nguyễn Ngọc Thiện, Đông La thì mũ ni che tai:

-Không liên quan tới taTa không chống Đảng. Ta không nghiên cứu rác. Chuyên môn của ta không phải là thơ Việt Nam hậu hiện đại. Ta không quen, không dạy, không chấm Nhã Thuyên.

Nhưng cả khi liên quan tới ta, ta cũng im lặng cho nó lành.

Thằng đánh đã hèn, thằng chịu nhục cho nó tẩn mình càng hèn. Đó là hai hạng người mà ta nhìn thấy trong vụ Nhã Thuyên (trừ ra mấy cái tên Phạm Xuân Nguyên, Trần Đình Sử, Vũ Thị Phương  Anh, Chu Mộng Long, Nguyễn Thị Từ Huy, Lê Tuấn Huy, Phùng Hà Thanh... đếm được trên đầu ngón tay).

Đó là cái tội rất lớn của Nhã Thuyên. Luận văn của Nhã Thuyên không làm chế độ này suy suyển cọng lông... chân nào cả, nhưng cái cách Nhã Thuyên phối hợp với cơ quan an ninh làm rùm beng vụ này lên mới làm cho chế độ ta mất sạch uy tín.

Nguyễn Ngọc Thiện không có tư cách của nhà nghiên cứu khoa học



Một trong những luận điểm để PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện bác luận văn cao học của Nhã Thuyên là:

Đối tượng nghiên cứu như vậy rõ ràng là không đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất và giá trị văn chương đích thực, không được thừa nhận hợp pháp và hợp hiến.

Mang danh là nhà khoa học trình độ cao, ông PGS TS này lại không  nhận thức được sứ mạng của nhà khoa học.

Hiếp dâm, cướp của, giết người... không hợp pháp, không hợp hiến và nói chung là không hợp cái gì cả. Nhưng nhà khoa học có quyền nghiên cứu các hiện tượng đó không?

Muốn biết một đối tượng hợp pháp, hợp hiến hay không, trước hết ông phải nghiên cứu nó đã. Ông không làm thì để cho Nhã Thuyên làm. Không thể vì một thằng ất ơ nào đó phán mấy tiếng xanh rờn hợp pháp, hợp hiến là chúng em phải tránh ra xa. Mang danh nhà khoa học thì không nên cả tin, ngoan ngoãn, dễ bảo, ông ạ.


Chúng em đề nghị lập hội đồng 2 thẩm định lại bằng tiến sĩ của ông.