Friday 27 April 2012

Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm anh là Trần Dương Tường


Trước khi Nhã Nam đưa bản dịch Lolita ra trình làng, tôi cam đoan người nào đọc phải một câu như trên hiểu được chết liền. Sau  khi bản dịch của Dương Tường xuất hiện, bà con phải dò lại bản gốc tiếng Anh mới hiểu dịch giả muốn nói gỉ. Nhiều người cao giọng chê bai, đòi Dương Tường phải dịch lại cho mượt mà hơn hoặc phải kèm ghi chú. Xem ra bây giờ cả hai việc đó đều không cần thiết nữa. Sau những sự việc ầm ĩ vừa qua, còn ai muốn đọc một bản dịch ký tên Dương Tường nữa không? Và ghi chú để làm gì nữa khi bây giờ, nhờ công Dương Tường, mọi người đều biết trên dòng kẻ (bằng những dấu) chấm nghĩa là gì rồi.

Dương Tường không nhận sai và thật ra, rất khó bảo anh sai.Trình độ người đọc Việt Nam thấp kém, không biết dòng kẻ chấm là gì thì đó không thể là lỗi của Dương Tường. Nếu Nabokov viết trên dòng kẻ chấm mà dịch thành trên  dòng kẻ liền thì mới có thể gọi là sai vì đó là hai loại dòng kẻ khác nhau. Đằng này sách Pháp, sách Nga đều dịch là trên dòng kẻ chấm. Vậy người dịch sai ở chỗ nào? Dương Tường thậm chí dịch còn đúng hơn các ông Nga và Pháp, bởi vì các ông Tây còn phải dài dòng văn tự kiểu trên dòng kẻ chấm của mẫu đơn / biểu mẫu.... mà nguyên bản có từ nào về đơn từ, biểu mẫu đâu?

Dịch thuật trước hết là một nghệ thuật. Mỗi dịch giả có một quan niệm riêng. Với Dương Tường không có chuẩn mực nào cao hơn nguyên bản. Vì vậy, dù ai nói đông nói tây, Dương Tường cứ phải viết tiếng Việt như nguyên bản tiếng Anh. Từ bao nhiêu năm qua anh luôn giữ vững lập trường này. Tại sao trước đây không ai phẫn nộ với làn da trắng trong của hoa mộc lan. Tại sao người ta ít nhận ra điều đó mỗi khi bị cuốn hút bởi sự duyên dáng của câu văn Việt hồn Tây? Vậy thì tại sao bây giờ lại đi khuấy động cả thị trường chữ nghĩa vì một chuyện không đáng?

Monday 23 April 2012

Trần Tiễn Cao Đăng: một người không thể cùng lúc đội hai cái mũ


Trân Tiễn Cao Đăng là tác giả của thuật ngữ “thảm họa dịch thuật” sáu năm về trước khi anh lên tiếng phê phán Mật mã DaVinci (người dịch là Đỗ Thu Hà, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin). Anh dày công phân tích và phân loại từng lỗi trên bản dịch của Đỗ Thu Hà, thể hiện một tinh thần nghiêm túc đáng quý ở người làm công việc dịch thuật. Uy tín của nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuống dốc thảm hại và sự nghiệp dịch thuật của Đỗ Thu Hà xem như tiêu tan như bọt nước sau những lời phê bình xác đáng của Trần Tiễn Cao Đăng.

Sáu năm sau Trần Tiễn Cao Đăng có một thái độ ứng xử khác hẳn trước các thảm họa dịch thuật. Tác giả của thuật ngữ dường như không còn biết phẫn nộ nữa. Tiền Vệ muốn đập chết Cao Việt Dũng thì xin mời cứ tự nhiên, nhưng Trần Tiễn Cao Đăng quyết không dính vào chuyện bươi móc lỗi phải nữa. Âm binh lên mạng khen: Trần Tiễn Cao Đăng khí độ hơn người, không a dua, không đánh hôi.  

Sự thật không đẹp đẽ đến thế. Chẳng qua là ăn cây nào phải rào cây ấy thôi. Lợi ích của Nhã Nam, của cá nhân Cao Việt Dũng và cá nhân Trần Tiễn Cao Đăng gắn bó với nhau mật thiết hơn người ta tưởng, khiến cho đương sự rơi vào một tình thế mà ông bà ta vẫn gọi là “há miệng mắc quai”. Trần Tiễn Cao Đăng không ra tay thì Cao Việt Dũng cũng đã ngắc ngoải rồi: hiện nay Cao Đăng đã thay Việt Dũng đại diện cho mảng sách dịch của Nhã Nam tiếp xúc với báo chí. Nếu Đăng ra tay thì còn mặt mũi nào đi ra đi vào nhìn thấy Dũng và ăn làm sao, nói làm sao bây giờ với Nhã Nam? Và chắc gì Nhã Nam sẽ tha thứ cho hành động đó. Vì thế cho nên Cao Đăng cứ điềm nhiên tọa sơn quan hổ đấu và hưởng lợi thay vì diễn lại vai trò người hùng dẹp loạn dịch thuật như sáu năm về trước.