Monday, 31 March 2014

PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện truyền nghề nghiên cứu cho Nhã Thuyên




Hà Nội ngày ... tháng .... năm ....

Nhã Thuyên mến,

 Trong khoa học xã hội và nhân văn, có khi chỉ có thể nghiên cứu đối tượng trong độ lùi cần thiết của lịch sử, khi sự việc, hiện tượng đã an bài, xong xuôi, người nghiên cứu đã có đủ tư liệu chính xác để nhìn nhận thỏa đáng các khía cạnh của vấn đề. Đối với những hiện tượng, vấn đề đang diễn tiến, nếu cần nghiên cứu phải bình tĩnh, khách quan, nhạy cảm và trung thực, không thể hấp tấp chằm bặp nghiên cứu, nhân danh khoa học mà chủ quan, cực đoan, phiến diện, ngụy biện gây rối, hoặc kích động nhân tâm dao động, hướng tới sự bất an.

Thầy chỉ nghiên cứu cái gì ai cũng biết rồi thôi, con ạ. Cái gì chưa ai biết là cái gì thì hãy đợi đấy.

Việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu cùng với các dữ kiện nghiên cứu phải đáng tin cậy và hợp hiến cùng với đó là phương pháp nghiên cứu khoa học, phù hợp, có sức thuyết phục, là rất quan trọng.

Điều thầy vừa nói cũng là điều ai cũng biết rồi, con ạ. Điều sau đây mới là quan trọng nhất:

Ngay cả khi con nghiên cứu văn thơ, văn kiện của các chiến sĩ cách mạng thời kỳ hoạt động bí mật, con cũng chỉ được phép dựa vào tài liệu do nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia công bố thôi nhé. Những tác phẩm của họ không dám xuất hiện một cách đàng hoàng, phải lén lút tự ấn hành, mặc dù không photocopy, nhưng vẫn là tự xuất bản theo kiểu đối phó với sự kiểm duyệt của Nhà nước, gọi là kiểu xuất bản Samizdat, chưa được biên tập, chỉnh lý cẩn thận, rất có thể đối lập với lợi ích của toàn xã hội. Con từng học lịch sử Đảng, từng giảng Nhật Ký Trong Tù. Thầy không muốn nói nhiều hơn nữa.

Thế cho nên một khi:

Đối tượng nghiên cứu như vậy rõ ràng là không đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất và giá trị văn chương đích thực, không được thừa nhận hợp pháp và hợp hiến.

Con hãy đọc lại lời thầy dặn ở đầu thư này.

Kinh nghiệm của thầy là người nghiên cứu chỉ cần đọc báo Công An là đủ. Báo Công An TPHCM đã nói rác là rác, không cần đến con phải nghiên cứu rác thơm hay thối, tại sao có rác, rác dùng được vào việc gì. Những việc đó báo Công An sẽ nghiên cứu nếu thấy cần thiết. Nhiệm vụ của những nhà nghiên cứu như thầy trò ta là đọc báo Công An.

Con hãy đọc lại lời thầy dặn ở đầu thư này.


Tình hình nghiên cứu như vậy đã gây không ít trở ngại cho tác giả khi viết mục “Lịch sử vấn đề” ở chỗ: trong số 34 đơn vị Thư mục được tác giả kể ra trong Thư mục nghiên cứu, thì có đến 20 thư mục lấy từ các trang mạng trôi nổi như trên đã nói, 5 đơn vị thư mục khác là các tài liệu do cá nhân bạn bè quen biết cung cấp riêng cho tác giả. Chỉ còn 9 đơn vị thư mục gồm các bài viết, sách dịch, sách nghiên cứu đã xuất bản chính ngạch hoặc Luận văn, Luận án đã bảo vệ về thơ Việt Nam đương đại là có thể kiểm chứng khi tác giả Luận văn trích dẫn. Song đáng tiếc những thư mục này lại được Đỗ Thị Thoan đánh giá thấp, cho rằng đó là “những bài báo vô nghĩa”, những luận văn, luận án “dè dặt trong tiếp cận và đánh giá” hoặc chí ít “mang tính chất điểm danh, nói theo, chỉ làm phong phú thêm những màu sắc của bức tranh giả mạo về thơ Việt Nam đương đại”.

Thầy không muốn nhắc đi nhắc lại mãi chuyện tư liệu trôi nổi vì nó lại liên quan đến điều thầy đã dặn con ở đầu thư này. Thầy chỉ muốn nói thêm một điều là con đừng bao giờ dẫn những tài liệu mà các thầy không đọc được. Những cái đó chẳng ích lợi gì cho ai cả. Còn vì sao mà chúng không có ích thì thầy khuyên con hãy đọc lại lời thầy dặn ở đầu thư này.

Cũng vì không biết cái điều quan trọng đó nên con đã sai đứt đuôi con nòng nọc khi khen Trần Ngọc Hiếu có “sự sâu sắc về tư duy”, có “tầm nhìn rộng ra sự khiêu khích và bản chất khiêu khích của những kẻ nổi loạn”, từ đó “đặt ra nhiều vấn đề có tính lý thuyết và cách thức tiếp cận thơ ca đương đại mà Mở miệng là một hiện tượng tiêu biểu”. Con hại Hiếu rồi. Sau con, người ta sẽ lôi Hiếu ra làm thịt đó.

Thầy đố con biết vì sao người ta có thể kết luận:

Luận văn đã thiếu khách quan, công bằng khi thiên về bình tán những ý kiến lạc lõng khen thơ của nhóm Mở miệng (mà người ta biết rằng chúng được xuất phát từ những động cơ khác nhau, khó có thể nói về sự lành mạnh của văn hóa đọc). Về phía người viết, thì tác giả đặc biệt cổ xúy cho Mở miệng, cho rằng thơ của họ không dừng lại ở văn bản, mà tất yếu dẫn đến hành động. Nói cách khác đó là “hành động thơ” để can dự vào việc chống sự trung tâm hóa, chống lại sự ổn định xã hội và điều hành của Nhà nước, chống đối bằng đòi hỏi sự lên ngôi của cái bên lề, của cái khác, những dòng ngầm của tư tưởng cùng là sự thừa nhận xuất bản chui, không chịu dễ bề để Nhà nước kiểm soát. Tóm lại là hòa cả làng, tôi cũng như anh, mọi sự bình đẳng, ngang bằng tuyệt đối một cách vô chính phủ (!).

Kết luận đó tất dẫn đến nghi vấn:

Thử hỏi, viết “Lịch sử nghiên cứu vấn đề” của Luận văn với thiên kiến và mục đích chính trị đối lập, phản kháng đồng lõa với Mở miệng như vậy, thì đó có phải là khoa học và trung thực hay không?


Luận văn của con mà đừng có phần lịch sử vấn đề thì ai quy kết gì cho con được? Nếu đừng có cái luận văn ấy thì dù con thì ai quy kết gì cho con được? Nếu đừng có cả cái bọn Mở Miệng thì ai quy kết gì cho con được? Không có bọn Mở Miệng, chỉ riêng việc nhai lại Báo Công An để giữ vững danh hiệu PGS TS cũng đủ vất vả rồi con ạ. Thầy không thừa thì giờ để mắt đến cái bọn ấy. Nếu hôm nay thầy có viết những dòng này, chẳng qua chỉ là để góp thêm một đòn đánh hôi chung với hội công an chứ nói thật nhé, bọn công an mà tha cái luận văn của con thì thấy viết bài này mất cả hứng thú.


Thân mến



PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện


TB: Thầy đã đề nghị phúc tra luận văn của con. Bọn Pro & Contra bảo phúc tra luận văn là sai quy chế, nhưng bọn ấy dốt, không biết rằng ngành giáo dục của ta không cần phải giống ai hết và cả luật pháp của ta cũng không  nhất thiết phải giống ai. Bọn ấy lại là một trang mạng trôi nổi. Con hãy tin là con chết chắc.

No comments:

Post a Comment